Du lịch Cồn Cỏ – Trạm hải đăng Cồn Cỏ được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2007, nằm ở tọa độ 107o20’00’’ kinh đông, 17o09’42’’ vĩ độ bắc, với chiều cao toàn bộ 27,2m tính đến mặt đất, chiều cao tầm sáng 76m tính đến mực “O” HĐ, trực thuộc Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Bắc Trung Bộ, thuộc Bộ Giao Thông vận tải Việt Nam.
Men theo con đường nhỏ lên đồi 63, khi những đôi chân dường như bắt đầu cảm thấy mỏi, trạm hải đăng đã xuất hiện trước mặt chúng tôi, một tháp đèn hình trụ màu vàng dựng thẳng đứng.
Ánh sáng chủ quyền biển đảo
Tiếp đón đoàn chúng tôi là anh Hoàng Văn Biên – Trạm trưởng Trạm Hải đăng Cồn Cỏ, người có hơn 20 năm công tác trong nghề. Nhìn thấy anh, một người có vóc dáng nhỏ con, da mặt cháy sạm, cái nắng cái gió đầy khắc nghiệt ở nơi đây đã làm anh già hơn so với độ tuổi của mình.
Anh Biên cho biết: “ Đèn biển (hải đăng) là báo hiệu hàng hải, được xây dựng cố định tại các vị trí cần thiết để hỗ trợ cho người đi biển định hướng và xác định vị trí của tàu thuyền, báo hiệu chướng ngại vật nguy hiểm, bãi ca… trong khu vực. Nhìn từ xa, đèn biển đứng sừng sững, tạo thành những cột mốc hết sức quan trọng để xác định đường cơ sở biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với đảo Cồn Cỏ”.
Công việc của các anh em “đèn sĩ” ở đây tưởng chừng như đơn giản những cũng không kém phần khó khăn ,vất vả. Nhiệm vụ chính hàng ngày là kiểm tra, bảo dưỡng đèn hải đăng chính bằng cách lau chùi các thấu kính và kiểm tra đèn, bình ắc quy, hệ thống điện, trao đổi, ghi chép nhật ký các nội dung liên quan, khắc phục, sữa chữa và báo cáo kịp thời các sự cố lên cấp trên.
“ Do không khí ở ngoài biển nước mặn nhiều nên chỉ một buổi mà không lau đèn thì sáng ngày mai sương muối lên sẽ làm hư đèn. Trở ngại và khó khăn lớn nhất của chúng tôi là mỗi khi có bão lớn. Vào lúc này, nếu đèn mà không phát sáng thì tàu thuyền hoạt động trong khu vực và tàu đánh bắt hải sản của ngư dân rất dễ đâm vào nhau”. Anh Trần Văn Quân – Công nhân trạm hải đăng chia sẻ.
Sáng sớm, tuỳ theo ca trực mà anh em kiểm tra toàn bộ hệ thống phản quang, lau chùi bóng đèn và các thiết bị chiếu sáng, kiểm tra máy nổ phát điện, theo dõi thông số kỹ thuật để kịp thời phát hiện và điều chỉnh; luân phiên chia nhau trực: ca tối bắt đầu từ 18h đến 22h, sau 22h cứ 2 tiếng đổi ca một lần
Cách đây hai năm, Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Bắc Trung Bộ đã cung cấp và thay thế một số trang thiết bị nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn. Đèn chính (Tây Ban Nha) BGC 500, bóng Xenon 15V-25W (2 cái); đèn dự phòng BGC 300 – bóng Halogenl 12V-50W (3 bóng) đã được đưa vào sử dụng, với tính năng ánh sáng trắng chớp nhóm 3, chu kỳ T= 15 giây, hệ số truyền T=0.74 giây các tàu thuyền trong phạm vi 22 hải lý thuộc vùng biển Cồn Cỏ đã xác định được vị trí của mình, tránh những trường hợp va chạm đáng tiếc xảy ra, qua đó giúp ngư dân nâng cao hiệu suất khai thác, tăng lợi nhuận kinh tế.
Nỗi niềm “ người lính không mang quân hàm ”
Cũng giống như các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị đóng quân trên đảo Cồn Cỏ. Cuộc sống của các anh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, cam go, nhưng điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận là sự lạc quan, quả cảm ở mỗi con người nơi đây. Giữa cái nắng, cái gió và mênh mông sóng nước đại dương, những nụ cười rạng rỡ luôn hiện hữu trên những gương mặt đen xạm ấy.
Hầu hết các anh em ở Trạm Hải đăng Côn Cỏ đều sinh sống xa gia đình, người gần nhất thì ở Nghệ An, người xa nhất thì ở Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Phạm Văn Cung – Công nhân trạm Hải đăng quê ở Hải Dương nghẹn ngào kể lại: “ Do điều kiện đặc thù công việc mỗi năm anh em được về phép một đến hai lần. Về chưa được 10 ngày thì Trạm điện ra bảo vào lại gấp, lúc đó vợ tôi thì đang chuyển dạ, bây giờ gần thôi nôi mà tôi vẫn chưa được gặp cháu…”.
Ở đây, khí hậu phân chia thành hai mùa rõ rệt, đó là mùa khô và mùa mưa. Về mùa khô, khí hậu thời tiết khắc nghiệt kéo dài toàn bộ cây cối, rau xanh nằm ở trên đảo đều bị cháy khô, chỉ còn lại màu xanh của cây phong ba, bàng vuông. Mùa mưa thì càng khó khăn hơn, khi những đợt gió mùa Đông Bắc kéo dài tàu cung ứng lương thực thực phẩm không ra được, nhiều lúc anh em ở Trạm phải ăn mắm và dưa muối chua gần cá tháng trời. Ngoài giờ làm việc, anh em phải tăng gia thêm nhiều lúc đi lặn con ốc, con khởi để bữa ăn được phong phú hơn.
Tác giả bài viết: Thanh Sơn
http://conco.quangtri.gov.vn/vi/doan-thanh-nien/Hoat-dong-doan-thanh-nien/hai-dang-con-co-mat-ngoc-giua-trung-khoi-9.html