[Cồn Cỏ trăng thuở ấy] Kỳ cuối: Nắng bây chừ

Du lịch Cồn Cỏ – Tôi biết ông Trần Đăng Khoa hiện vẫn đang sống ở Huế. Tôi cũng tin chắc chắn lá thư kia vẫn còn. Giá như ở cái “Phòng truyền thống” này có những hiện vật kiểu như lá thư đó.

Bài viết kỳ trước:

Huyện đảo Cồn Cỏ nhìn từ ngọn hải đăng.

Không thể trách các bạn trẻ. Chính bản thân tôi hồi đó cũng không biết nguyên cớ vì sao trên đảo Cồn Cỏ lại có những địa danh như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Đông… Mãi tới lúc vào đất liền, gặp ông cụ Vĩnh Quang, nghe cụ kể về cái thời hoang sơ của Hòn Cỏ, tôi mới ngộ ra. Thuở xa xưa ấy, đảo này chỉ được gọi là một hòn, Hòn Cỏ (cũng có người còn gọi là Hòn Cọp, Hòn Mệ). Khi những người lính đầu tiên đặt chân lên đảo thì Hòn Cỏ chỉ có mấy tên gọi được ngư dân đặt cho các bến thuyền. Đấy là Bãi Đông vì nó nằm phía đông, Bãi Tranh bởi cả khu đất ấy chỉ có cỏ tranh và Bãi Nghè vì có miếu Ông Nghè… Còn lại, tất cả chỉ là một vùng rừng âm u, rậm rịt. Để triển khai trận địa chiến đấu thì nhất thiết phải có tên gọi các vị trí, các điểm cao trên đảo. Thế là những địa danh mới xuất hiện. Vấn đề là, tại sao bộ đội lại đặt những địa danh trên đảo là: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Đông? Ai đã từng sống những tháng ngày khốc liệt trên hòn đảo này đều có thể dễ nhận ra, việc đặt tên các vị trí trên đảo không phải chỉ để có tên gọi, mà còn có một ý nghĩa tinh thần rất lớn. Giữa hòn đảo nhỏ nhoi, chơi vơi suốt những năm bị địch vây hãm, sự sống cái chết tính từng phút, từng giây, sự cô đơn lại càng là thử thách khốc liệt với lính trẻ, thì những tên gọi đó khiến chiến sĩ ta có cảm giác như đang được sống trong lòng đất liền Tổ quốc, được ôm ấp, chở che của cả nước. Tôi đã ứa nước mắt khi nhận ra điều đó. Và tôi đã viết: …Ở đây có Hà Đông, Hà Nội/ Anh gọi vang trên đảo thân yêu/ Để mỗi sớm, mỗi chiều/ Đảo xa ngọt ngào tình đất nước!/ Ôi những tên thân thuộc/ Nghe sao yêu như một tiếng em!/ Mưa có mòn dấu chân/ Nắng dù phai màu áo/ Ngày dài chiến đấu/ Tên đất liền như lệnh xung phong/ Yêu lắm em ơi Hà Nội, Hà Đông!…

*

*     *

Trong bữa cơm chia tay tối cuối cùng trên đảo, tôi hỏi mấy cán bộ lãnh đạo cao nhất huyện đảo rằng, khi có đoàn khách du lịch tới đảo thì ai là người hướng dẫn và giới thiệu. Lê Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ trả lời, người hướng dẫn và giới thiệu là nhân viên của công ty du lịch. Ở UBND huyện thì cán bộ Phòng Kinh tế cũng góp phần thuyết minh giới thiệu nếu du khách có nhu cầu. Tôi lại hỏi, những người ấy họ sẽ giới thiệu những gì về Cồn Cỏ? Phải chăng cũng sẽ chỉ tóm tắt mấy câu, rằng đây là một hòn đảo anh hùng, rất anh hùng, đã chiến đấu khốc liệt gần hai ngàn ngày đêm, bắn hạ được 48 máy bay Mỹ, trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ, bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch, đã hai lần được phong danh hiệu anh hùng, ba lần được Bác Hồ gửi thư khen. Giỏi hơn nữa là đọc thuộc được câu thơ khen của Bác: Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ. Những điều đó đương nhiên là rất quý, nhưng hầu như ai cũng biết, nếu chưa biết thì chỉ cần gõ vào Google, cần gì phải lặn lội tới tận đây? Cả Tuấn cùng mấy lãnh đạo khác của huyện đều cười trừ. Tôi đã nói với những cán bộ trẻ ấy rằng, những gì mà Nhà nước đã đầu tư cho Cồn Cỏ tới giờ là rất tốt, rất đúng và trúng. Đó là cơ sở hết sức quan trọng để có thể hướng tới cho sự phát triển kinh tế du lịch. Nhưng, nói theo cách người ta hay nói hiện nay là, những gì đã có là cần nhưng chưa đủ. Có thể nói là rất rất chưa đủ. Những người đến với Cồn Cỏ hôm nay và nhiều năm sau nữa không phải chỉ để hứng gió biển, tắm biển (những nhu cầu đó, nhiều nơi khác trên đất nước này sẽ phong phú và thuận lợi hơn nhiều). Họ đến về cơ bản là muốn được tận mắt nhìn thấy một hòn đảo mà tên gọi của nó, sự tích của nó đã từng cồn cào, khắc khoải trong hàng chục triệu trái tim ngày nào. Và nếu có thể, du khách sẽ được biết thêm nhiều nhiều nữa, những gì đang ẩn chứa trong những khoảng rừng nguyên sinh, trong từng lá cây, ngọn cỏ, trong những con sóng dãi dầu đã vỗ suốt hàng ngàn năm quanh Hòn Cỏ này…

– Vậy, theo ý bác, bọn cháu cần phải làm gì? – Bí thư Tuấn hỏi tôi.

– Không phải chỉ các anh làm, mà tất cả, từ Nhà nước cấp tỉnh, các ban ngành liên quan ngoài Trung ương, đến các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Cồn Cỏ, cả bản thân mình nữa, cần phải làm cái gì đó… Tuy nhiên, cụ thể là những gì thì nhất thời mình chưa nghĩ được thật thấu đáo. Hãy để mình bình tâm lại, nghĩ ngợi thêm rồi sẽ góp ý.

*

*     *

Sáng hôm sau, con tàu đã đưa chúng tôi trở về đất liền trong cái nắng sớm rực rỡ và bát ngát. Quả thật thời tiết khác hẳn so với ngày qua. Nắng mai này mới đúng là nắng phơi mình trên sóng. Và trong tôi bất chợt cũng ngời lên một ý tưởng. Phải chăng là “đề bài” cho một dự án? Có thể gọi là dự án của một tâm hồn đa cảm, ưa hoài niệm. Dự án của Trăng Cồn Cỏ thuở ấy và Nắng Cồn Cỏ bây chừ!

Nên chăng, hãy lấy Bến Nghè làm trung tâm để giới thiệu với du khách về Cồn Cỏ. Bến Nghè-cũng là Bãi Nghè-như đã kể ở trên, vừa là cái rốn của đảo, là nơi đang tàng ẩn trong lòng nó những trầm tích xa xưa nhất của Hòn Cỏ, lại vừa là vị trí đẹp nhất, nên thơ nhất hiện tại. Khu Bến Nghè tiếp giáp và chuyển nối giữa khu du lịch và khu quân sự. Phía trên bờ Bến Nghè hiện tại có một khoảng đất trống, rất bằng phẳng đang được dùng làm sân đá bóng. Đấy chính là địa điểm thích hợp nhất để có thể tái hiện toàn cảnh Cồn Cỏ năm xưa.

Sắc màu san hô dưới biển Cồn Cỏ. Ảnh: DUY VĂN

Cần tái hiện Hòn Cỏ xa xưa và Cồn Cỏ của những năm tháng oai hùng bằng một đại mô hình Cồn Cỏ được đắp nổi trên khoảnh đất trống này. Có thể gọi là một Cồn Cỏ nhỏ quá khứ nằm trong lòng Cồn Cỏ lớn hiện tại. Trên Cồn Cỏ nhỏ đó, tái hiện tất cả những gì của hòn đảo năm xưa mà nay vì quy hoạch xây dựng huyện đảo đã để mất dấu vết. Ví dụ, có một Bến Nghè rậm rạp, với ngôi miếu thâm nghiêm u tịch, có Bãi Đông, Bãi Tranh, có điểm cao Hải Phòng với lửa bom cây cháy, có Hà Nội, Hà Đông hay bãi Hy Rông… Có chòi quan sát, trận địa phòng không, hệ thống công sự, hầm hào… Những huyền thoại, giai thoại, những câu chuyện và hiện vật rất đặc trưng của Cồn Cỏ như con cua đá chẳng hạn (đang có nguy cơ mất dấu ở đảo, nên chăng cho ướp và bảo quản lâu dài một số vỏ cua đá để trưng bày), như đàn gà được sinh sôi từ cặp gà trống mái đầu tiên của một người vợ gửi ra cho chồng là cán bộ chỉ huy đảo để sau đó sinh sôi ra hàng trăm, hàng ngàn con bất chấp bom lửa hủy diệt của giặc Mỹ, cả những hiện vật khảo cổ từ thời đồ đá ở vị trí Bến Nghè nữa và… sẽ được giới thiệu tại đây. Trong tương lai, khi điều kiện cho phép có thể sử dụng công nghệ 3D để tái hiện tất thảy những gì có thể cho du khách hiểu sâu hơn, nhiều xúc cảm hơn về hòn đảo này…

Không biết tôi có lãng mạn quá không? Có viển vông quá không? Nhưng như tôi đã từng nói và viết nhiều lần về hướng phát triển du lịch hoài niệm và tâm linh trên mảnh đất Quảng Trị, rằng, trên đất này những dấu tích theo thời gian rồi sẽ dần mất dấu, còn lại sẽ là những câu chuyện như là sự tích. Cần phải biến những sự tích thành huyền tích, từ huyền tích thành huyền thoại… Đó là con đường đi thẳng vào tâm khảm con người để lưu giữ cho muôn thế hệ mai sau về lịch sử hôm nay.

Cửa Việt, tháng 3-2019

Bút ký của nhà văn XUÂN ĐỨC

https://ct.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/con-co-trang-thuo-ay-nang-bay-chu-tiep-theo-va-het-523481