Du lịch Cồn Cỏ – Năm 1970, trong chuyến ra Cồn Cỏ lần thứ hai, lúc ấy không còn chiến sự, tôi có đầy đủ thời gian để đi khắp các vị trí trên đảo. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là vị trí của những địa danh mà câu vè kia đã nhắc đến. Bãi Đông, Bãi Tranh nằm hướng nam và tây của đảo, còn Bến Nghè lại nằm hướng đông. Hướng đông là hướng luôn luôn hứng chịu những luồng gió đông quanh năm thổi mạnh. Nếu có bão đổ bộ, thì Bến Nghè cũng là phía chịu trận trước tiên.
Tại sao ngư dân Vĩnh Quang lại có thể thốt lên câu hát như thế? Tôi ngắm kỹ Bến Nghè. Quả thật, nếu so với những vị trí bến thuyền khác, Bến Nghè có một vẻ rất cổ xưa. Ở đây cây cối rất rậm rạp, có những cây bàng dáng cổ thụ, cành lá xòa ra tạo nên những vòm xanh hiếm hoi trên cả một hòn đảo lúc đó đã xác xơ, trơ trụi vì bom đạn. Mà hình như ở đây rất ít hố bom, hố pháo? Tôi hỏi một đồng chí trong ban chỉ huy đảo. Anh có vẻ cũng bị bất ngờ trước nhận xét đó. Tuy nhiên, chỉ một lúc, anh nói, có lẽ hướng này là hướng tàu chiến Mỹ bắn pháo vào. Đạn pháo thường vượt quá vào bên trong nên ở ngoài mép đảo ít bị trúng đạn? Đương nhiên tôi không thỏa mãn với câu giải thích ấy. Tôi lại mang câu hát của dân Vĩnh Quang ra hỏi, vì sao thuyền ta dựa Bến Nghè khi gió táp, sóng lùa thì anh ta chịu. Sau đợt công tác 5 ngày này, vừa đặt chân vào đất liền, tôi lập tức về Vĩnh Quang. Không gặp được anh Duyến, tác giả vở dân ca, nhưng lại gặp một cụ già khác. Khi nghe câu hỏi của tôi, cụ bất ngờ lim dim mắt rồi thủng thẳng nói: “Chú nhận xét đúng đó. Hướng Bến Nghè là hướng gió bão. Nhưng vì chỗ đó có miếu Ông Nghè rất thiêng. Ngài thường phù hộ cho bà con miềng”. Tôi nói, cháu có thấy miếu nghè gì đâu? Cháu cũng hỏi các chiến sĩ trên đảo nhưng không nghe ai nhắc tới. Cụ lại nói: “Chắc bữa ni bom đạn thằng Mỹ nó san phẳng hết rồi. Mà anh em lính trẻ, lại là người ở nhiều địa phương khác tới, họ biết răng được. Miếu ấy có từ xa xưa, cũng chẳng biết là lúc nào… Khi tui còn thanh niên đi biển ra đó đã thấy có miếu. Ngư dân dù là ai khi cập thuyền vô đảo, đều thắp hương xin ngài phù hộ… Thời đó, Hòn Cỏ còn hoang sơ lắm, âm u dễ sợ lắm, không một bóng người, chỉ có chim cu…”.
Thế là tôi đã giải đáp được những thắc mắc trong lòng. Những người đi biển vào trú ở đảo phải dựa Bến Nghè không phải vì bến đó khuất gió. Họ dựa là dựa vào sự phù hộ của thần linh! “Thời đó, Hòn Cỏ còn hoang sơ lắm, âm u dễ sợ lắm, không một bóng người, chỉ có chim cu”… Tôi ấn tượng mãi với những lời kể và cả cái dáng đăm chiêu mơ hồ của cụ già Vĩnh Quang khi kể về Hòn Cỏ thời xa xưa. Trong bài thơ “Trăng Cồn Cỏ”, tôi viết: … Ở đây anh nghe sóng kể/ Rằng ngày xưa đảo nổi/ Miếu Nghè hương khói chơi vơi/ Khoang thuyền lộng, cánh buồm khơi/ Ghé vào như chim đỗ tạm/ Hèn chi buổi đầu anh ra/ Chim cu thấy người không vỗ cánh/ Chuột rừng lạ bí chẳng dám ăn/ Đá ngờ ngợ dấu chân/ Rừng xì xào bóng lạ?…
Dạo ấy-năm 1970-tôi chỉ mới biết chừng đó về Bến Nghè. Mấy chục năm sau, khi đã trở thành người quản lý công tác văn hóa Quảng Trị, tôi còn biết thêm những điều rất bất ngờ ở cái địa chỉ này. Sở Văn hóa chúng tôi cùng với đoàn khảo cổ của Giáo sư Trần Quốc Vượng đã tìm thấy nhiều dấu tích của con người thời kỳ đồ đá, còn có dấu tích của những cư dân Chăm đã từng trú ngụ tại nơi này… (còn có thêm lời kể rằng, ngư dân từng phát hiện ở dưới lòng một giếng khô hài cốt của một người có xích xiềng ở chân, nghi là phạm nhân bị đày ra đây). Bến Nghè thực sự là một cõi trập trùng những huyền tích.
Bến Nghè hôm nay không còn vẻ âm u hoang lạnh thuở nào. Tất cả đã được bê tông hóa và hiện đại hóa! Người ta xây một vòng kè chắn sóng dưới mép nước, còn trên bờ là con đường trải nhựa uốn lượn như đường dạo công viên. Mà đúng là công viên thật. Hình như người ta còn đặt tên là Công viên Thanh niên. Cái còn lại duy nhất có thể gợi nhớ tới không gian Bến Nghè thâm nghiêm ngày nào chính là vài cây bàng cổ thụ còn sót lại với dáng dấp vặn vẹo, xù xì như những cây cảnh khổng lồ. Những gốc phong ba này không biết đã mấy chục, hay mấy trăm tuổi mà nay vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Trong khoanh đất bé nhỏ dưới chân mấy gốc cổ thụ đó, người ta đặt vài ghế đá. Kể ra, cứ chiều đến, ngồi trên ghế đá nhìn ra biển khơi đón cơn nồm ùa vào cũng thật thú vị. Nhưng lẽ nào đó là tư duy sản phẩm du lịch trên Cồn Cỏ?
Bãi Đông bây giờ là âu tàu lớn đã được đầu tư xây dựng rất kiên cố để đón tàu thuyền cập đảo. Bãi Tranh ngày ấy là cả một bãi đất được coi là bằng phẳng nhất trên đảo và cũng là khu đất duy nhất không có cây lớn mà chỉ toàn cỏ tranh-nay được quy hoạch thành điểm nhấn Quảng trường trung tâm với cột cờ cao lớn, lá cờ phần phật tung bay hướng về phía đất liền. Tôi hỏi một cán bộ trẻ của UBND huyện đảo, vị trí ngày trước được đặt tên Hà Nội giờ là chỗ nào? Anh ta hơi ngớ ra một lúc rồi chỉ tay lên một mỏm cao trung tâm đảo. Nơi đó có ngọn hải đăng. Có lẽ anh ta đoán, Hà Nội phải là trung tâm đảo? Thế còn Hải Phòng? Anh ta liền chỉ tay vu vơ, nói, bên kia, phía sau điểm cao đó. Ủa, sao lại thế? Lại hỏi, thế cái nơi có di tích chòi Thái Văn A? Anh ta kêu to lên, thì đó đó, trên cái chỗ có Trạm Hải đăng đó. Rõ ràng anh cán bộ trẻ này không biết rõ quá khứ. Khu đồi có chòi Thái Văn A ngày ấy được gọi tên Hải Phòng chứ không phải Hà Nội. Hải Phòng là đồi đất có bình độ cao nhất đảo. Vì thế người ta đã đặt chòi quan sát ở đó. Chòi là một chiếc thang bắc vào một thân cây cao. Một sự tích anh hùng đã xảy ra. Một chiến sĩ quan trắc khi đang đứng trên ngọn cây để quan sát máy bay bổ nhào thì bom ném xuống ngay dưới chân. Đất đá cùng mảnh bom bay lên vèo vèo. Nhưng chiến sĩ ấy vẫn hiên ngang đứng vững. Đó chính là Anh hùng Thái Văn A. Kể từ đó, chòi quan sát được bộ đội trên đảo đặt tên chòi Thái Văn A. Trong “Trăng Cồn Cỏ” ngày đó tôi viết:… Rồi em lên với Hải Phòng/ Có chòi Thái Văn A sừng sững…/ Chuyện anh đẹp hơn cơn mộng/ Đạn nổ dưới chân nâng tầm đứng thêm cao…
Tôi lại hỏi anh cán bộ trẻ, bãi Hy Rông ngày đó giờ là chỗ nào? Anh ta tròn mắt lên cãi, làm chi có tên bãi Hy Rông? Tôi liền đọc cho anh ta nghe mấy câu nữa trong bài thơ cũ:… Ước chi em ra cùng đảo/ Anh dẫn em về thăm bãi Hy Rông/ Nghìn ngày đêm khói lửa mịt mùng/ Trọn nghĩa thủy chung bạn Cuba đồng chí!…
Anh bạn trẻ đồng hương cứ lẩm bẩm mãi, rứa à, rứa à?… Có cả bãi Hy Rông thiệt ư? Tôi khẽ thở dài và mỉm cười. Không thể trách các bạn trẻ hiện giờ trên đảo về những chi tiết ấy. Những gì của Cồn Cỏ ngày ấy còn lại trên đảo quá ít ỏi, nhiều cái đã mất hết dấu tích. Quan trọng hơn là trong ý thức của những người có trách nhiệm và cả của những bạn trẻ tình nguyện ra lập nghiệp ở huyện đảo, điều làm họ suy nghĩ nhiều nhất là làm gì và làm như thế nào để có thể ổn định được cuộc sống lâu dài ở đây, và làm cách nào để phát triền du lịch ở một hòn đảo không lớn lại nằm cách xa đất liền gần 30km. Với quá khứ lịch sử của Cồn Cỏ, nhiều lắm là các bạn trẻ ấy cũng chỉ biết, đấy là hòn đảo được hai lần tuyên dương anh hùng, được Bác Hồ ba lần gửi thư khen. Thế thôi. Tôi đã tới gian phòng được gọi là “Phòng truyền thống” của đảo. Thực ra, đây là cái gian sảnh trên gác hai của Nhà văn hóa Thanh niên. Tư liệu trưng bày trong phòng chủ yếu là những tấm ảnh. Mà ảnh quá khứ cũng rất ít, nhiều hơn chính là ảnh một số hoạt động xây dựng đảo hiện nay cùng với chân dung của nhiều thế hệ lãnh đạo, chỉ huy đảo. Bất giác tôi nhớ tới lá thư của chị Lệ, một cô gái Quảng Bình, vợ anh Trần Đăng Khoa thời đó là chính trị viên phó của đảo. Trong lá thư gửi chồng có một đoạn đại ý: “Anh đừng nhớ em… chỉ để riêng em nhớ anh thôi, anh phải tập trung mà bắn máy bay Mỹ…”.
Bây giờ mà đọc mấy câu như thế chắc nhiều người sẽ thốt lên “sến” quá. Nhưng thời đó, đấy là những câu hết sức chân thực, đọc lên không cầm được nước mắt. Trong “Trăng Cồn Cỏ”, tôi đã kể về lá thư ấy: … Năm ngoái thư em có lời cặn kẽ/ Anh để riêng em nhớ/ Anh hãy tạm quên/ Chỉ nhớ mần răng mà bắn cho tinh…/ Em dặn thế, thực lòng anh cũng thế/ Bận bắn máy bay thời gian đâu mà nghĩ/ Đêm nay một phút đảo yên/ Xốn xang bến động nhớ thuyền/ Giận lá thư nhà không cánh…
(còn nữa)
Bút ký của nhà văn XUÂN ĐỨC
https://ct.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/con-co-trang-thuo-ay-nang-bay-chu-tiep-theo-ky-truoc-523456