Du lịch Cồn Cỏ – Đồng chí Lê Minh Tuấn vừa được bầu làm Bí thư Huyện ủy huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Là người trưởng thành từ phong trào Đoàn, Bí thư Huyện ủy Lê Minh Tuấn chia sẻ với phóng viên báo Biên phòng về việc tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tuổi trẻ xây dựng đảo Cồn Cỏ trở thành một tiền đồn vững chắc trên Biển Đông.
PV: Vừa mới nhận trọng trách Bí thư Huyện ủy huyện đảo Cồn Cỏ, xin đồng chí chia sẻ những nhiệm vụ mang tính đột phá để đưa huyện đảo tăng tốc?
Đồng chí Lê Minh Tuấn: Phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, nhiệm kỳ mới (2015-2020), chúng tôi sẽ tập trung rà soát lại tổng thể công tác quy hoạch, nội dung nào phù hợp thì tiếp tục triển khai, còn không phù hợp sẽ điều chỉnh và bổ sung.
Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành và đang trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của huyện đảo và Đề án phát triển du lịch đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tập trung vào các mục tiêu nâng cấp âu tàu, cảng cá và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm tạo thêm công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế cho huyện đảo.
Huyện tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về dịch vụ, du lịch; triển khai công tác di dân ra đảo; đề xuất dự án kéo điện cáp ngầm cho huyện đảo; đóng và đưa vào sử dụng tàu khách cao tốc là món quà của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Đảng bộ, chính quyền và quân, dân huyện đảo Cồn Cỏ. Đồng thời tập trung phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững chắc; xây dựng các lực lượng vũ trang trên đảo vững mạnh toàn diện dảm bảo công tác sẵn sàng chiến đấu cao, không bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
PV: Để phát triển mô hình kinh tế đảo đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái biển, Cồn Cỏ sẽ ưu tiên phát triển như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Minh Tuấn: Huyện đảo Cồn Cỏ sẽ phát triển kinh tế theo định hướng “Dịch vụ – Du lịch – Thủy sản”. Đó là phát triển các cơ sở hậu cần nghề cá, thu mua, bảo quản, trung chuyển, tiếp tế nhiên liệu, dầu, lương thực, thực phẩm cho các đội tàu đánh bắt trên biển, cho nhân dân huyện đảo.
Đồng thời, nghiên cứu phát triển một số mô hình nuôi trồng thủy sản, làm điểm tránh trú bão an toàn cho ngư dân, phát huy tốt hoạt động của Trạm tìm kiếm cứu nạn của Biên phòng. Bên cạnh đó, đảo sẽ tổ chức xây dựng Đội tàu đánh cá thanh niên bám biển; xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ trở thành địa điểm có hệ thống dịch vụ, du lịch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nghỉ dưỡng, tham quan cho du khách, là nơi phát triển mạnh về du lịch biển.
“Lực lượng đoàn viên, thanh niên trên đảo, phần lớn thuộc lực lượng vũ trang, đó là những thanh niên được giáo dục lý tưởng, có tinh thần nhiệt huyết. Sau này, các đồng chí rời quân ngũ và có nguyện vọng muốn ở lại để đóng góp và xây dựng đảo thì chúng tôi sẽ trân trọng đón nhận” – Đồng chí Lê Minh Tuấn nói.
PV: Trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ có 13 đoàn, 450 khách ra đảo. Vậy Cồn Cỏ sẽ làm gì để thu hút khách du lịch, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Minh Tuấn: Sau khi UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đề án phát triển du lịch, huyện tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho tỉnh, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng; phối hợp với các cơ quan chức năng, công ty du lịch để tổ chức các tour đưa khách ra đảo.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tích cực làm công tác quảng bá hình ảnh đảo Cồn Cỏ đến với bạn bè trong và ngoài nước như: Cồn Cỏ với những cánh rừng nguyên sinh, vùng biển có rạn san hô và thảm thực vật phong phú, có những con đường ven biển đẹp, là pháo đài thép đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
PV: Xin đồng chí cho biết lộ trình đưa dân ra đảo sinh sống?
Đồng chí Lê Minh Tuấn: Việc di dân ra đảo là một nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược, vì vậy phải được tính toán rất kỹ lưỡng. Hiện nay, huyện đang phối hợp với Chi cục Di dân của tỉnh để triển khai. Diện tích đất trên đảo hẹp (2,3km2) nên bước đầu chúng tôi sẽ đưa khoảng 10 hộ dân ra sinh sống. Các hộ này sẽ được hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Với mục tiêu xây dựng đảo Cồn Cỏ là đảo Thanh niên nên đối tượng được xét di dân ra đảo phải là thanh niên.
Vì vậy, tiêu chí của huyện là chọn đối tượng thanh niên có nhiệt huyết, chịu được khó khăn gian khổ, có chí làm giàu, có kinh nghiệm và khả năng đi biển; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch, dịch vụ thì phải tuyển những người có chuyên môn, kiến thức, năng lực về thủy sản, du lịch…
PV: Là người trưởng thành từ cán bộ Đoàn, chắc đồng chí có nhiều điều chia sẻ khi giữ cương vị Bí thư Huyện ủy của đảo Thanh niên Cồn Cỏ?
Đồng chí Lê Minh Tuấn: Bản thân tôi có thâm niên 14 năm làm công tác Đoàn và phong trào Thanh niên, trong đó có 7 năm làm công tác quản lý. Điểm lại thời gian làm công tác Đoàn thì không phải là nhiều, nhưng tôi cũng hiểu được công tác Đoàn và chính môi trường công tác Đoàn đã cho tôi sự trưởng thành. Ngọn lửa nhiệt huyết, cống hiến, xả thân của lớp trẻ sẽ giúp tôi vượt qua những khó khăn thử thách ở phía trước.
Được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị giao phó, trên cương vị Bí thư huyện đảo Cồn Cỏ, tôi rất xúc động và ý thức được rằng đây sẽ là nhiệm vụ rất nặng nề. Tôi sẽ cố gắng tạo không khí mới, thi đua mới, đóng góp sức trẻ của mình cùng với tập thể Đảng bộ, quân và dân trên đảo, góp phần xây dựng đảo trở thành đảo Thanh niên theo Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 24-1 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng đảo thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013-2020.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!