Du lịch Cồn Cỏ – Chuyến tàu đầu tiên của năm mới 2019 rời cảng Cửa Việt trong mờ mịt sương giăng. Từ Cửa Việt ra đảo, tàu này chạy đúng một tiếng, còn tàu du lịch phải mất gần 1 tiếng 20 phút. Anh em trên đảo nói rằng, tàu của đảo nhỏ hơn tàu du lịch nhưng lại có tốc độ cao hơn.
Mồng 6 Tết hằng năm là ngày toàn thể quân-dân-chính-đảng của đảo Cồn Cỏ lấy làm ngày khởi hành một năm mới với cuộc gặp mặt, giao lưu văn nghệ mừng xuân. Bốn năm liền trở lại đây, Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị là khách mời thường xuyên của những cuộc giao lưu đó. Năm Kỷ Hợi này, tôi may mắn cũng trở thành khách mời “xông đất” năm mới của đảo.
Đây là lần thứ tư tôi ra hòn đảo nhỏ này, nhưng là lần đầu tiên kể từ ngày Cồn Cỏ được trở thành huyện đảo. Vào giai đoạn cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt nhất trên Cồn Cỏ, tôi may mắn được có mặt chỉ đúng một ngày, một đêm. Sau đó, năm 1970, mặc dù trên cả nước chiến tranh vẫn còn, nhưng riêng Cồn Cỏ đã hết bom đạn, tôi lại được trở ra đảo lần thứ hai. Lần này tôi ở lại đảo dài hơn, gần một tuần lễ. Có lẽ nhờ anh linh của những liệt sĩ Cồn Cỏ, lần đi đó tôi đã viết được bài thơ dài “Trăng Cồn Cỏ”. Thật lạ là bài thơ dài tới 332 câu, tôi viết liên tục trong một ngày, một đêm. Viết xong gửi gấp ra cho Báo Quân đội nhân dân. Cũng chỉ mấy ngày sau, bài thơ được đăng tràn hết cả trang 3 của báo. Lại chỉ thời gian ngắn sau đó, tôi nhận được lời khen của một nhân vật mà lúc đó lớp viết trẻ chúng tôi coi như bậc thánh văn chương-nhà thơ Chế Lan Viên!
Hai chục năm sau kể từ lần thứ hai ra đảo, tôi rời quân ngũ chuyển ngành về tham gia công tác ở tỉnh. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc, tôi cứ lần lữa mãi mà chưa thể bố trí được một chuyến ra thăm lại đảo. Cho tới khi có quyết định thành lập huyện đảo và tỉnh Quảng Trị đã có những bước khởi động rất quyết liệt, như thành lập đơn vị thanh niên xung phong, vận động những đoàn viên di dân ra lập thân, lập nghiệp trên đảo. Vào dịp đó, trong thành phần của đoàn cán bộ tỉnh, tôi được ra thăm Cồn Cỏ lần thứ ba. Những năm tiếp theo, tôi biết tỉnh Quảng Trị có nhiều cuộc vận động, thuyết phục các cấp ở Trung ương để đồng thuận và chấp nhận cho ý tưởng của tỉnh biến hòn đảo tiền tiêu về quân sự này thành đảo du lịch. Sau đó, rất nhiều dự án rầm rộ triển khai trên đảo. Ngồi ở nhà mình tại thị trấn Cửa Việt, tôi thường xuyên nghe dội lên từ phía cảng tiếng động cơ nặng trịch của những chiếc xe tải lớn hối hả đổ xuống tàu hàng trăm tấn đá hộc cùng những vật liệu xây dựng khác để chuyển ra đảo. Tôi mường tượng ra cái Hòn Cỏ xinh xẻo nơi trùng khơi kia mấy năm nay chắc chắn đang phơi trần ra trong một đại công trình với cuộc tự lột xác để chuyển đổi từ đảo quân sự qua đảo du lịch. Những lúc như thế, có ít nhất hai câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi mỗi khi có nguyên cớ nhớ về Cồn Cỏ.
Một là, làm thế nào để Cồn Cỏ trở thành đảo du lịch mà vẫn giữ được vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, là điểm chốt phía Nam vịnh Bắc Bộ?
Hai là, Cồn Cỏ sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch gì để có thể thu hút được khách đến? Sau 15 năm trở thành đơn vị hành chính cấp huyện và với rất nhiều công trình xây dựng diễn ra, hiện tại ở ngoài đó đã có được những gì? Liệu những sự đầu tư đó đã đủ để trở thành sản phẩm và điều kiện cho tham vọng phát triển du lịch?
Và sáng hôm nay, một ngày đầu năm đầy sương mù, tôi xuống con tàu nhỏ, mang theo trong đầu những câu hỏi đó háo hức trở lại Cồn Cỏ lần thứ tư.
*
* *
Con tàu cập vào âu sau đúng một giờ hành trình. Trong lúc diễn viên đoàn nghệ thuật đang loay hoay khuân vác loa, máy, đạo cụ chuyển lên bờ thì tôi nhảy vội lên trước, đi bộ nhanh qua khỏi cổng chào rồi đảo mắt nhìn khắp mọi phía. Tôi rất sốt ruột muốn giải đáp ngay mấy câu hỏi đang lăn tăn trong đầu. Một chiếc xe điện chạy xuống bến đón diễn viên. Tôi nghĩ ngay tới việc phải nhờ chiếc xe điện đó chở một vòng khắp đảo để có thể có cái nhìn tổng quát về quy hoạch. Và thật may, chỉ sau đó chừng 30 phút, khi đoàn nghệ thuật đã về được chỗ nghỉ thì một cậu diễn viên tình nguyện lái xe điện đưa tôi chạy vòng khắp đảo.
Với một người vốn là lính và cũng từng đến với Cồn Cỏ lúc còn mặc quân phục trong những ngày cuộc chiến đấu đang diễn ra khốc liệt nhất, tôi đã rất dễ “đọc được” ý đồ của những người làm quy hoạch xây dựng Cồn Cỏ theo cái “đề bài” rất khó là, làm thế nào để Cồn Cỏ thành khu du lịch nhưng vẫn phải giữ vững vị trí tiền tiêu quân sự.
Người ta chia hòn đảo nhỏ này thành hai phần rất rõ ràng. Một nửa đảo là khu thị trấn mới, có thể nói là khá hoành tráng với những ngôi nhà công sở của các ban, ngành huyện đảo, doanh trại các LLVT được xây dựng khá khang trang, hệ thống đường trải nhựa lớn có dãy đèn cao áp hiện đại; rồi công viên, nhà văn hóa thanh niên, nhà thi đấu thể thao, nhà nghỉ có tiện nghi gần như khách sạn, khu nhà ở của dân cùng với quán xá, dịch vụ… Ngoài ra còn có những công trình văn hóa mang tính biểu tượng, như: Cổng chào, cột cờ lớn, đài tưởng niệm liệt sĩ… Một nửa đảo còn lại là khu vực được cắm biển “Khu quân sự cấm vào”. Như vậy rõ ràng, Cồn Cỏ có thể thoải mái mở cửa đón khách tham quan nhưng vẫn giữ nguyên những bí mật về phòng thủ. Hồi chiến đấu với máy bay, tàu chiến Mỹ và cả nhiệm vụ đánh bộ nếu kẻ thù dám liều lĩnh tràn lên chiếm đảo, thì lúc đó những bến bãi, những cao điểm có vị trí then chốt nhất được xác định là Bến Nghè, Bãi Đông, Bãi Tranh, cao điểm Hải Phòng… Nay vùng đất ấy lại được quy hoạch thành khu dân sự và đón khách du lịch. Còn “Khu quân sự cấm vào” hiện tại trên đảo được chuyển dịch ra hướng khác.
Như thế là, câu hỏi thứ nhất gần như tôi đã tìm thấy lời giải ngay từ buổi sáng đầu tiên đặt chân lên đảo.
*
* *
Giờ thì tôi có thể bình tâm và thong thả tìm câu giải đáp về du lịch.
Tôi đi thơ thẩn một mình, cố hình dung ra những địa chỉ ngày trước, như Bến Nghè, Hi Rông… nhưng rất khó nhận ra trong cái không gian quá hiện đại với nhiều nhà xây, nhiều tuyến đường trải nhựa dọc ngang…
Nắng lên tự lúc nào? Mới lúc nãy thôi sương mù còn dày đặc. Khi con tàu đã cách bờ chừng dăm ki-lô-mét nhưng Cồn Cỏ vẫn chỉ hiện ra lờ mờ… Vậy mà giờ bất ngờ nắng lên. Biển xanh trong xa tắp. Đảo cũng rạng rỡ tươi hớn dưới sắc nắng vàng. Chợt lại nghe vẳng lên câu thơ trong bài thơ “Trăng Cồn Cỏ”: … Biển động rồi yên/ Trăng lại về cùng Cồn Cỏ/ Dịu dàng hơn mọi trăng xưa…/ Vơi ngọn gió, dịu cơn mưa/ Nắng phơi mình trên sóng…
Chúng tôi dùng cơm trưa tại một quán ăn ở xóm dân cư. Họ nói với tôi, những hàng quán trên đảo cùng với chủ nhân của nó đã về đất liền đón Tết giờ vẫn chưa trở ra. Đây là quán duy nhất ở lại đảo phục vụ những người trực Tết. Sau đó, chúng tôi được mời về nghỉ ngơi ở Nhà khách Ban CHQS huyện đảo. Nhà khách rất lớn, rất rộng, nhiều phòng. Tuy nhiên, hầu như không thấy bóng người phục vụ. Chúng tôi tự dàn xếp, tự tìm lấy phòng ngủ. Tôi chỉ nằm khép mắt lại chừng 10 phút là bật người dậy. Không có ai để hỏi chuyện, tôi đành lặng lẽ rời khỏi phòng tản bộ ra đường. Giữa buổi trưa đầy nắng và gió nhưng khung cảnh toàn đảo yên ắng và vắng vẻ không khác gì đêm khuya. Tôi bước đi thật chậm rãi, thật thong thả, thật thong dong. Vẫn không gặp bất cứ ai. Chỉ mình tôi với sắc nắng vàng nhạt, với những làn gió biển nồng nàn, với màu xanh mơ xa xăm cùng tiếng sóng rì rào ngân lên khắp cả bốn phía… Chỉ mình tôi với những hồi ức xa xưa của một Cồn Cỏ bịt bùng cây cối, xác xơ trong khói và lửa, một hòn đảo loang lổ vết bom, khét lẹt mùi cây cháy. Tôi phải tìm cái gì, ở đâu để có thể bắt gặp được Cồn Cỏ của một thời xa xưa ấy?
Phải rồi. Địa chỉ đầu tiên tôi muốn tìm lại là Bến Nghè.
Bến Nghè cùng với Bãi Đông, Bãi Tranh là những cái tên đầu tiên tôi được nghe nói tới lúc chưa biết chút gì về hòn đảo này. Đó là mùa đông năm 1966, khi ấy, tôi đang là chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 47. Tôi được Bộ tư lệnh Vĩnh Linh điều lên Đội Tuyên Văn. Khi tôi lên tới vị trí tập trung thì thấy đội đã đông người. Họ đang tập một màn ca cảnh dân ca kể chuyện cụ già Vĩnh Quang tiễn chân một cụ bạn già khác chuẩn bị lên thuyền ra tiếp tế cho Cồn Cỏ. Cụ hát một câu vè giãi bày nỗi nhớ khôn nguôi của mình đối với Hòn Cỏ. Câu hát như sau: Tôi nhớ lắm cụ ạ! Tôi nhớ, thuyền ta đậu Bãi Đông, Bãi Tranh khi trời thanh, biển đẹp/ Thuyền ta dựa Bãi Nghè khi gió táp, sóng lùa/ Củi cồn đốt giữa đêm mưa/ Chuối rừng nấu với canh cua ấm lòng. Tác giả vở ca cảnh này là anh Duyến, một ngư dân đang sống ở Vĩnh Quang và từng rất nhiều lần đi đánh cá tới Cồn Cỏ. Nghĩa là tác giả biết khá tường tận về hòn đảo này. Những gì anh ấy viết về Cồn Cỏ hẳn phải chuẩn xác.
Lúc đấy tôi mường tượng ra một Cồn Cỏ có những bến đỗ của thuyền được mang tên Bãi Đông, Bãi Tranh và Bãi Nghè, trong đó Bãi Đông, Bãi Tranh chỉ có thể cặp thuyền những khi gió yên biển lặng, còn Bãi Nghè chắc chắn phải kín đáo, tránh được mưa bão nên thuyền ta dựa Bãi Nghè khi gió táp, sóng lùa?
(còn nữa)
Bút ký của nhà văn XUÂN ĐỨC
https://ct.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/con-co-trang-thuo-ay-nang-bay-chu-mong-6-tet-ky-hoi-523432